Để trở thành người mẹ tuyệt nhất trên đời


Giai đoạn con chập chững bước đi, học thể hiện suy nghĩ của mình qua lời nói, bắt đầu làm quen với thế giới bên ngoài... với các bậc phụ huynh, là giai đoạn con đáng yêu như thiên thần nhưng đồng thời cũng đáng sợ không kém ác quỷ. Những ông bố, bà mẹ trẻ vẫn còn đang lúng túng với vai trò mới của mình đã gặp ngay phải chướng ngại vật khó khăn. Phải làm sao bây giờ?

Quản lý từng chuyện nhỏ nhặt
Bạn đang vui vẻ cho con vào giường ngủ trưa thì bé bắt đầu hoảng lên - món đồ chơi nhồi bông yêu thích của bé đâu rồi? Cả hai mẹ con bạn sẽ không thể có một giấc ngủ yên bình nếu không có nó!

Trẻ nhỏ có những "nghi thức" cố định trong thời gian biểu của mình, bao gồm cả "nghi thức" ngủ trưa và ngủ tối, và bạn không thể đi chệch khỏi đó. "Trẻ chưa có ý thức về thời gian hoặc ngày tháng, vì vậy thời khóa biểu lặp đi lặp lại là cách duy nhất để cho chúng biết chuyện gì đang xảy ra", Tovah Klein, giám đốc Trung tâm Trẻ em ĐH Barnard ở thành phố New York cho biết. "Điều đó giúp trẻ cảm thấy an toàn khi trải qua những thay đổi lớn lao trong quá trình phát triển." Và như thế có nghĩa là bạn phải trở thành kiểu người quản lý bạn luôn ghét: kiểu người suốt ngày ghi nhớ, để ý và nhắc nhở nhân viên của mình từng tí một.

Chẳng có gì tủn mủn hơn việc cứ mỗi nửa tiếng lại phải hỏi "Con có đi bô không?" nhưng việc này rất đáng làm - vì hạnh phúc của con và sự bình an cho thần kinh của bạn. Tránh những bất ngờ khó chịu và cho con biết mỗi ngày cần phải làm gì sẽ giúp bé cảm thấy tình hình được kiểm soát, khiến bé yên tâm và bớt quấy khóc hơn nhiều. Tuy rằng điều đó có nghĩa rằng đêm nào bạn cũng phải đọc cùng một quyển sách, thôi thì ít ra con cũng chịu đi ngủ.

Phiên dịch
Ngôn ngữ của con trẻ thực sự phát triển trong giai đoạn từ 18 tháng đến 3 tuổi, nhưng thế không đồng nghĩa với việc bạn đã dễ dàng hiểu và khiến cho một đứa bé 2 tuổi hiểu mình đang nói gì.

Để giúp 2 bên hiểu nhau tốt hơn, bạn chỉ nên nói những cụm từ ngắn gọn, đơn giản, thường xuyên lặp lại, chú ý đến cử chỉ và ngữ điệu của con, đặc biệt khi bé tỏ ra khó chịu. Thậm chí nếu bạn không hiểu con đang gào thét cái gì, hãy cho bé thấy rằng bạn hiểu bé đang tức giận, và tiếp tục từ điểm đó.

Trẻ nhỏ có xu hướng trở nên khó chịu khi bạn không hiểu những gì chúng đang nói, do đó hãy trau dồi kỹ năng dịch thuật của bạn. ("Bóng" có thể mang nghĩa "Trái bóng của con kìa. Mình cùng chơi đi mẹ!" hay là "Tìm bóng cho con, không là con hét toáng lên bây giờ!")

Bạn cũng sẽ cần kỹ năng này bất cứ khi nào đứa-con-khiến-từ-điển-cũng-phải-bó-tay của bạn cố gắng nói chuyện với một người văn minh bình thường. Hãy chuẩn bị tinh thần phiên dịch, trừ khi chính bạn cũng chào thua. Bạn sẽ rất may mắn nếu lúc đó có người nào "cao tay" hơn ở gần. Một bà mẹ chia sẻ câu chuyện: "Có lần con trai tôi hỏi một cách rất nghiêm trọng, ‘Mẹ ơi, tình yêu đi đâu?' Ui chà. Tôi cố gắng để pha chế ra một câu trả lời phù hợp với lứa tuổi của con, và trong lúc tôi nói lan man dây cà ra dây muống, thằng bé vẫn tiếp tục lặp lại câu hỏi, càng lúc càng tỏ ra khó chịu. Cuối cùng, con gái tôi phải can thiệp: ‘Ý nó muốn hỏi là Lava Girl (*) của nó đâu?' Hóa ra là một hình người đồ chơi mà thằng nhóc có được từ cửa hàng thức ăn nhanh. Ra thế. "
(*) Lava Girl phát âm tương tự như "love go".

Ngoại giao
Trẻ mới biết đi có thể là thiên thần ngọt ngào, cũng có thể là một tên chúa tể hung bạo. Chúng vòi vĩnh, sau đó đấm đá và la toáng lên nếu không nhận được những gì mình muốn. Bắt con làm những nhiệm vụ cơ bản nhất - ăn, ngủ, ị... - có thể là một nhiệm vụ đòi hỏi sự tế nhị và bạn thường xuyên vấp phải sự phản đối, đôi khi cả bạo lực. Và bạn cần đến tài ngoại giao. Tất nhiên việc này đòi hỏi sự kiên nhẫn và cảm thông, nhưng cũng cần một chiến lược tinh ranh nữa.

Để cô con gái 3 tuổi Emily chịu đi vệ sinh, Rebecca Horvath từ thành phố Bluff, Tennessee, sử dụng sức mạnh của sự gợi ý. "Tôi làm như vô tình nói với con bé rằng chúng tôi sẽ đi vệ sinh trước khi rời khỏi trung tâm mua sắm. Tôi đề cập đến chuyện đó một vài lần trong khi hai mẹ con đang mua sắm, và sau đó khi chuẩn bị ra về, con bé chịu đi mà không vùng vằng quăng ném gì. Có vẻ như đó là chuyện đương nhiên chứ không phải là việc mẹ bắt phải làm." Làm cho trẻ nghĩ rằng việc gì đó là ý tưởng của chúng chứ không phải của bố mẹ? Đó là ngoại giao chứ còn gì nữa!

Hãy thể hiện sự quan tâm đến những mối quan tâm của bé (Ảnh: Inmagine)

Giả vờ hứng thú
Trẻ nhỏ dễ bị ám ảnh. Chúng tìm thấy một cái gì đó khiến chúng bị mê hoặc, thế là sau đó ăn, uống, và ngủ với chủ đề đó. Tại sao? Vì thế giới thật rộng lớn và đáng sợ, và thay vì làm chủ nó, trẻ tìm cách làm chủ một phần nhỏ của nó - có thể là một bộ phim yêu thích hoặc toàn bộ một thể loại phim nào đó (công chúa, dụng cụ có sức mạnh...)

Faerol Wiedman, một người mẹ ba con ở Eden Prairie, Minnesota, phải đáp ứng yêu cầu ghé tiệm rửa xe vào ngày sinh nhật lần thứ ba của cậu con trai. "David bị ám ảnh với việc rửa xe", cô nói. "Chúng tôi nói tên các cửa hiệu như BP, Mobil, Shell, và những thứ mà mỗi tiệm có, như máy sấy, xà phòng, nước, và sáp. Sau đó, chúng tôi đi xem rửa xe. Thằng bé cứ nói hoài nói mãi về chuyện đó. Ngay cả John, đứa con 5 tuổi của tôi còn phải kêu lên, ‘chúng ta có thể thôi nói về chuyện rửa xe được không ạ?' Tôi ước gì mình cũng có thể nói như vậy, nhưng tôi phải giả vờ hứng thú!" Ngoài chuyện hỏi cả triệu câu hỏi, trẻ cũng muốn chia sẻ niềm đam mê của chúng với bạn. Vì vậy, hãy ngồi lại để con dạy cho bạn vài điều. Nhưng nếu bạn không thể nào chú ý nổi suốt một cuộc độc thoại về bàn chải, đừng ngại cài đặt não ở chế độ tự động trả lời, thỉnh thoảng lặp lại một từ cảm thán "Wow!"

(Còn tiếp) (theo mầm non)

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.

^ Về đầu trang